Thực hiện Công văn số 2141/BNNMT-VP ngày 16/5/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (05 tháng 6) và Tháng hành động vì môi trường năm 2025.

Ngày 04/06/2025, Sở Nông nghiệp và môi trường đã có Công văn số 3682/SNNMT-QLMT về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Môi trường thế giới ngày 05 tháng 6 và Tháng hành động vì môi trường năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngày Môi trường Thế giới 05 tháng 6 năm 2025 do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution), nhằm kêu gọi cộng đồng toàn cầu hành động quyết liệt để giải quyết rác thải nhựa - một trong những thách thức môi trường cấp bách nhất hiện nay. Đây là lần thứ hai trong vòng ba năm (2023-2025) chủ đề này được lựa chọn, thể hiện rõ tính ưu tiên toàn cầu trong kiểm soát ô nhiễm nhựa, đồng thời tái khẳng định cam kết sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ đa dạng sinh học, nâng cao khả năng thích ứng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng cường hợp tác khu vực-toàn cầu, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Theo báo cáo của UNEP, mỗi năm thế giới sản xuất khoảng 430 triệu tấn nhựa, trong đó hơn 2/3 là các sản phẩm sử dụng một lần, nhanh chóng trở thành rác thải, gây ô nhiễm đại dương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và sức khỏe con người. Tại Việt Nam, ước tính phát sinh khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, nhưng chỉ khoảng 27% được tái chế, phần lớn còn lại bị chôn lấp hoặc đốt bỏ, gây lãng phí tài nguyên và tiềm ẩn nhiều rủi ro môi trường.

Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành và triển khai nhiều chính sách, chương trình, chiến lược quan trọng nhằm tăng cường quản lý chất thải nhựa và giảm thiểu ô nhiễm nhựa, điển hình như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành với quy định cụ thể về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; thúc đẩy hợp tác quốc tế thông qua Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa, tăng cường nghiên cứu khoa học, triển khai mô hình hợp tác công - tư trong quản lý rác thải nhựa hướng tới kinh tế tuần hoàn; tích cực tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa (INC) và nhiều sáng kiến quốc tế khác.

 “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa - Lan toả lối sống xanh”

1. Thông điệp trọng tâm

- Vì một Việt Nam không rác thải nhựa - Hành động hôm nay, sống xanh mai sau.

- Giảm chất thải nhựa - Giữ rừng, giữ biển, giữ tương lai.

- Hành động xanh - Mỗi người dân là một chiến binh bảo vệ môi trường.

- Phân loại tại nguồn - Bước nhỏ, chuyển đổi lớn.

- Sống xanh là lựa chọn cho sức khỏe và tương lai.

- Doanh nghiệp tuần hoàn - Sản phẩm xanh - Hành tinh sạch.

- Không xả rác - Không nhựa thải - Không thờ ơ với môi trường.

2. Thông điệp đối với cộng đồng và hộ gia đình

- Sống xanh từ bếp đến bàn - Nói không với nhựa dùng một lần.

- Túi vải hôm nay - Biển sạch ngày mai.

- Thay đổi một hành vi - Góp phần thay đổi khí hậu.

3. Thông điệp đối với doanh nghiệp

- Sản xuất có trách nhiệm - Doanh nghiệp phát triển bền vững.

- Tái chế là đầu tư, không phải chi phí.

- Doanh nghiệp tuần hoàn - Tương lai an toàn.

4. Thông điệp đối với thanh niên, học sinh, sinh viên

- Tuổi trẻ không ngại thử thách - Hành động vì Trái đất xanh.

- Giảm nhựa - Phong cách sống hiện đại.

- Thanh niên kiến tạo tương lai bằng hành động xanh hôm nay.

5. Thông điệp đối với các địa phương và chính quyền cơ sở

- Mỗi công trình môi trường - Một di sản cho thế hệ sau.

- Hành động từ cơ sở - Thay đổi từ gốc rễ.

- Chính quyền xanh - Cộng đồng mạnh mẽ - Tương lai bền vững

Ngày Môi trường Thế giới 05 tháng 6 năm 2025 là cơ hội để chúng ta cùng suy ngẫm về trách nhiệm của mình đối với hành tinh này. Hãy biến những lo lắng thành hành động cụ thể. Mỗi quyết định nhỏ của bạn hôm nay sẽ góp phần tạo nên một tương lai không còn nỗi lo ô nhiễm nhựa. Chung tay "Đánh bại ô nhiễm nhựa" vì một cuộc sống xanh – sạch – đẹp!

     Chi tiết Bộ nhận diện ngày Môi trường thế giới xem tại đây.

 

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Ngọc Tuyền
Nguồn tin: SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ MÔI TRƯỜNG